Sóng lòng

“Mày khóc à? Nín ngay!”, “Là con trai không được khóc nghe con.”, “Trẻ như mày thì sầu thảm vì cái gì?”, thậm chí cả “Ai mà chả có nỗi đau!” ráo hoảnh khi nói về câu chuyện buồn của người khác. Ai trong số chúng ta đã từng phải nghe một trong những câu nói vô tình này; thậm chí, ai là người đã từng phải hứng chịu tất cả những sự hằn học này? 

Đúng, ai cũng có nỗi đau nhưng không có nghĩa rằng họ có đủ sức mạnh để chịu đựng nỗi đau đó một mình. Sức chịu đựng của mỗi người có giới hạn khác nhau và không có gì đáng xấu hổ khi một ai đó gục ngã trước một điều gì nhanh hơn người khác. Có những người nhạy cảm đến mức họ có thể tiếp nhận mọi sự biến động xung quanh và coi đó như là một lời cảnh báo. Họ phân tích và sử dụng những lời cảnh báo đó để quyết định hành động tiếp theo. Nếu chịu khó để ý hơn thì bạn sẽ nhận ra rằng sẽ luôn có người thoát khỏi mớ bòng bong sớm hơn đa số cá nhân trong tập thể. Cơ bản là vì họ đã “cảm” được điều bất thường và từ bỏ sớm nhất có thể để không gây đau thương cho mọi người và chính bản thân họ. 

Đúng, có những người quen ỷ lại và nũng nịu tới mức cả đời này chấp nhận sống yếu đuối nhưng không có nghĩa là mọi nỗi đau của chúng ta đều là làm quá. Việc phân biệt giữa giả và thật trong giới hạn chịu đau của mỗi người là cần thiết trước khi buông lời phán xét. Nếu chưa đủ thấu cảm để tìm hiểu sâu về gốc rễ nỗi đau và cách họ hành xử như vậy thì ít nhất, hãy đừng xả ra những lời cay đắng! Hành động bộc phát chính là bước cuối để tấn công và tạo vết thương tinh thần cho người khác. Sự thương hại thật ra cũng không nên xuất hiện, nhưng chí ít, nếu ta chưa hành động thì đó vẫn chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. “Lời nói gió bay” là thật nhưng hãy nhớ rằng chúng ta không bao giờ làm lại được những hành động trong quá khứ, có chăng cũng chỉ là trong phim viễn tưởng thôi.

Minh họa bởi: timngx

Trước đây, khi có những cảm xúc buồn – chán nản – tiêu cực, tôi chọn cách gặm nhấm nó một mình và khó có thể san sẻ với ai. Tôi nghĩ rằng không ai hiểu mình, tôi tự thu mình vào vỏ kén và cố soi thẳng vào nỗi đau ấy nhưng không phải để giải quyết nó. Tôi chỉ để cắn xé cho vết thương ấy lan rộng ra, rồi lại tự thương hại chính mình. Tôi thấy kỳ lạ khi ở xã hội mình đang sống, con trẻ phải nhận lấy sự “giáo dục” rằng chúng không xứng đáng có một nỗi buồn nào cả chỉ vì chúng không phải đi làm, chỉ có việc học thôi.  Mặt khác, người lớn thì luôn có những “tiêu chuẩn” về chuyện bộc lộ cảm xúc của những cá nhân được cho là phải mạnh mẽ, phải là chỗ dựa, phải có trách nhiệm to lớn với xã hội. Hay trớ trêu hơn nữa, những người bị dè bỉu khi không thể vượt qua được những nỗi đau mà “Ai cũng thế, sao đến mày thì không chịu được?”.

Tôi tự thấy mình là một người nhạy cảm, thậm chí tới việc lướt mạng xã hội cũng thấy nặng lòng. Vì ở nơi đó ai cũng có “quyền” được nói những gì họ muốn, để rồi những lời nói ấy lại gây xót thương lẫn nhau. Hay ngay cả trong gia đình, những lời nói nặng lời in hằn vào trái tim mình ấy để rồi lại được bào chữa bằng câu nói: “Tao muốn tốt cho mày thôi”. Chính tôi đã từng trải nghiệm nhiều sự “tốt đẹp” ấy mà họ hàng, thầy cô giáo và các bạn dành cho mình. Tôi đã từng nghĩ rằng “À, họ đang chăm sóc mình thật và mình phải cố gắng lên”, nhưng tôi đã lầm… Những sự tích cực độc hại đó chưa bao giờ là động lực sống đúng đắn, nó chỉ làm cho chúng ta phát triển sai lối mà thôi. 

Đối đầu với một xã hội có thể nói là đang đảo điên ngoài kia mà lòng ta không vững lại thì hẳn nhiên là ta dễ bị cuốn theo vòng lặp đó. Ban đầu nó chỉ là những ý nghĩ, để lâu sẽ ăn sâu vào tiềm thức, rồi hơn nữa là bộc phát thành hành động. Những nỗi khổ đau, dằn vặt, mặc cảm, tự ti, mất niềm tin,… dần dần trở thành chính tính cách của ta. Khi ta trở nên chai sạn với những cơn sóng lòng, ta cho rằng đó là độc lập, là kiên cường, nhưng thực chất ta đang chỉ giấu nhẹm chúng dưới hàng ngàn lớp vỏ bọc. Để rồi khi những thương tổn ngoại cảnh quá mức chịu đựng xảy tới, lúc đó tất cả những cơn sóng lòng sẽ trồi lên cùng một lúc, ta sẽ dễ lạc lối và mất phương hướng. 

Hòa vào cùng với xúc cảm của mình chính là một sự hiểu bản thân! Khi vui ta cười, khi buồn ta khóc. Việc tan vào “đại dương” của nỗi buồn, để những giọt nước mắt được trào ra, xúc cảm được dâng cao sẽ giúp cho nỗi buồn không gặm nhấm chúng ta. Nỗi buồn không biến ta trở thành người yếu đuối, mà hòa cùng nỗi buồn đó rồi ta trở nên mạnh mẽ hơn. Sai lầm không khiến ta thành người thất bại, mà chấp nhận thiếu sót chính là giúp ta trở nên thông thái hơn. Đừng ngần ngại mà mang những tổn thương đi cùng giọt nước mắt ra ngoài, đó cũng là một cách để hiểu, giải tỏa và thương mình hơn. Chỉ khi ta biết ôm trọn và giải phóng những đau khổ ấy, quá khứ – hiện tại và tương lai, tâm hồn – nỗi đau và thể xác sẽ được hòa làm một.

Nguồn: Unsplash

Con người không phải là thánh nhân. Dù chúng ta có giỏi giang tới đâu, học mấy văn bằng và ngao du bao nhiêu xứ sở trong suốt cuộc đời thì chúng ta vẫn muôn vàn nhỏ bé trong vũ trụ này. Việc học vẫn là việc cả đời nên lắng nghe những lời góp ý cũng như chọn lọc và sử dụng những lời đó một cách đúng đắn sẽ giúp ta ngày càng hoàn thiện hơn. Thế nhưng, có những lời không cần phải nghe; chỉ cần ta không tốn năng lượng với chúng thì ta sẽ được bình yên. Thay vì tự cô lập mình với ý nghĩ “Tôi làm chủ cuộc đời của bản thân” thì hãy luôn giữ thái độ cầu thị và hòa nhập với xung quanh. Chỉ cần bạn không hoà tan và cố gắng trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người thì ý kiến xung quanh cũng sẽ chỉ là nền móng cho sự phát triển của bạn.  

Trên đây là những suy ngẫm về cuộc sống được cảm nhận thông qua tác phẩm “Sóng lòng” của Timngx. Các bạn hãy thoải mái chia sẻ cảm nghĩ của mình về tác phẩm trong phần bình luận nhé! 

Bài viết này thuộc quyền sở hữu của Hunifest, vui lòng không tái bản hoặc đăng tại nơi khác mà chưa có sự đồng thuận từ chúng mình! 

Các bạn hãy theo dõi và kết nối với Hunifest qua Website, Facebook PageGroup, Instagram. Để xem và nghe podcast của Hunifest, các bạn hãy truy cập vào kênh YoutubeSpotify nha! Đối với những cá nhân hoặc tổ chức muốn hợp tác cùng chúng mình thì các bạn hãy gửi email qua hòm thư officialhunifest@gmail.com

Advertisement

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s