Đã bao giờ bạn ngờ vực chính bản thân của mình? Bạn tin mình một cách nửa vời hoặc đặt mình vào trường hợp chờ đợi may mắn tới và mình chỉ việc mong cầu? Thậm chí, đối với những bệnh nhân của chứng trầm cảm hay phức cảm tự ti* thì cảm giác thất vọng và đánh giá thấp bản thân còn nặng nề hơn nữa.
Nhất là trong thời đại số hóa như hiện nay, mọi thông tin được truyền đi vô cùng nhanh chóng và dường như không hề có điểm dừng, con người cũng ít nhiều bị chi phối ý nghĩ bởi sự hiện đại hối hả ấy. Mọi thứ cứ cuốn ta trôi đi trước khi ta kịp nhận ra ta phải tin ai? Ta sống vì ai? Ta có đang cố gắng chạy đua với thế giới ngoài kia hay không?

Trước khi tịch diệt, Đức Phật đã để lại cho đời sau nhiều lời chỉ bảo vô giá, trong đó có câu “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Nguyễn văn câu này là: “Như vậy này Ananda, tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác”. Ở đây, chữ Dipa vừa có nghĩa là ngọn đèn, vừa là hòn đảo, nên có thể dịch là hãy tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình, tự mình thắp đuốc lên mà đi.
Câu nói trên của Đức Phật mà xét với cuộc sống thực tế của loài người thì quả là chân lý! Hiện nay, thông điệp về thánh thần, năng lượng vũ trụ và đức tin cứ dồn dập tấn công chúng ta. Chỉ cần lên mạng xã hội, lướt vài phút là bạn dễ dàng nhìn thấy những thông tin này. Đây vừa là chuyện tốt bởi chủ đề này đã mở rộng cho con người kiến thức về tinh thần và tâm linh; nhưng cũng là chuyện xấu bởi không phải ai cũng tiếp nhận đúng. Rõ ràng, xã hội bây giờ vẫn phân hoá thành ba tập thể: Chủ nghĩa duy vật – Mê tín dị đoan – Chủ nghĩa duy tâm.

Với bức tranh “Thắp nến”, mình nhận thức bản thân chỉ như hạt cát và mình mới chỉ khởi đầu trên con đường nhận thức tinh thần. Vì thế, mình đã chuyển hóa hình ảnh “ngọn đuốc” thành một hũ nến nhỏ xinh, tượng trưng cho điểm khởi đầu. Tuy chỉ là một ngọn lửa nhỏ nhưng cũng sẽ phát sáng cả một căn phòng. Ngọn nến nhỏ tượng trưng cho mỗi cá thể trong nhân loại. Chỉ chúng ta mới có thể tự khai sáng được chính mình thông qua việc tự trải nghiệm, tự vấp ngã và tự học thêm vô vàn kiến thức qua những kinh nghiệm trong suốt cuộc đời.
Thực tế với bản thân mình ngay cả trong thời điểm hiện tại, có những lúc mình buông lỏng bản thân và bám chấp vào những điều ở ngoài kia. Trong đầu mình thường văng vẳng những suy nghĩ như:
“Mình có nên làm theo những điều mình thích hay chạy theo số đông ngoài kia?”
hay
“Sợ rằng tài năng của mình là chưa đủ và cứ cố chạy mãi để người đời có thể công nhận và tán dương?”

Trốn sâu vào trong tâm trí, mình trở nên quá e dè để mong cầu sự giúp đỡ từ người khác. Đứa trẻ bên trong mình trộm nghĩ rằng họ quá bận rộn rồi nên cứ chờ đợi sự may mắn tới với mình vậy. Mình tin rằng nếu chúng ta mong muốn điều gì đó thì vũ trụ sẽ hợp lực để giúp đỡ; nhưng không có nghĩa là chúng ta nên thực hiện thu hút may mắn một cách cực đoan. Sự may mắn chỉ đóng vai trò là đòn bẩy cuối cùng để ta chạm tay vào thành công sau một chuỗi những nỗ lực bằng hành động.
Thí dụ như có những người tham vọng quá lớn tới nỗi bất chấp thủ đoạn để có thể đạt được “thành tựu” của mình không màng tới hậu quả. Cũng có người thay vì hành động chân thành thì họ dành phần lớn thời gian và tiền bạc để đi cầu xin may mắn tài lộc, tuổi thọ, an lạc ở chùa, đền, miếu mạo. Lại có những người cả năm mới đi chùa cầu an bình một lần, trong khi quãng thời gian trước đó họ đã làm bao điều ác. Họ mong rằng thánh thần nào đó sẽ nhìn thấu và cứu rỗi cho họ và gia đình họ. Thế nhưng, họ không hiểu rằng thánh thần có thể sẽ nhìn thấu tất thảy, bao gồm cả những nghiệp xấu mà họ đã gây nên.
Nếu không làm mà chỉ có mong cầu mơ tưởng thì làm sao có quả ngọt được chứ?
Và nếu không tu tâm tích đức từ đầu thì đến cuối con đường làm sao có được quả lành?

Hãy soi vào tâm của chính mình để nhận ra những điều thiện, điều ác mà mình đã làm, bởi những người xung quanh chắc chắn chẳng bao giờ nhìn được rõ ràng tất cả những điều ấy. Đừng vội đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến bạn phải làm những điều đó; bạn tin vào chính bạn, có đi rồi mới có đến.
Dừng lại và ngẫm xem có phải những điều đã, đang và sắp xảy tới chính là quả của những nhân bạn đã gieo trồng hay không? Mình tin rằng khi đặt niềm tin vào chính bản thân chứ không phải thế giới ngoài kia, hướng vào trong và thấu rõ mình, dựa trên thiện pháp sẽ giúp bạn rất nhiều trong thế giới vận hành nhanh như bây giờ.
Khi cánh cửa này đóng sẽ luôn có cánh cửa khác mở ra. Mọi cơ hội luôn ở đó, chỉ là ta có tự bước tới, vươn tay ra để mở cánh cửa đó hay không. Hãy tin vào bản thân và tự mình phấn đấu, chứ đi đường tắt hoặc chờ đợi sự may mắn hay cầu cạnh sự giúp đỡ từ người khác chỉ là tạm thời mà thôi.
Trên đây là những suy ngẫm về cuộc sống được cảm nhận thông qua tác phẩm “Thắp nến” của Timngx. Các bạn hãy thoải mái chia sẻ cảm nghĩ của mình về tác phẩm trong phần bình luận nhé! Bài viết này thuộc quyền sở hữu của Hunifest, thông tin có tham khảo thêm từ trang: phatgiao.org.vn và vuonhoaphatgiao.com. Vui lòng không tái bản hoặc đăng tại nơi khác mà chưa có sự đồng thuận từ chúng mình!
Các bạn hãy theo dõi và kết nối với Hunifest qua Website, Facebook Page và Group, Instagram. Để xem và nghe podcast của Hunifest, các bạn hãy truy cập vào kênh Youtube và Spotify nha! Đối với những cá nhân hoặc tổ chức muốn hợp tác cùng chúng mình thì các bạn hãy gửi email qua hòm thư officialhunifest@gmail.com
—
* Phức cảm tự ti (Inferiority Complex): Cảm giác thấp kém hơn người khác bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, và dần dần phát triển thành tính cách hoàn chỉnh của một người. Việc lạm dụng ngôn từ, thân thể và tình cảm có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài và khiến người ta tin rằng họ không xứng đáng được người khác xem trọng.