THAM VỌNG hay ẢO TƯỞNG?

Đã bao giờ bạn được nhận xét là người tham vọng hay ảo tưởng chưa? Suy nghĩ riêng của bạn về hai thái cực này thế nào? Thực ra, ranh giới giữa hai vùng này cũng mong manh như so sánh vui tính và vô duyên vậy… Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi ảo tưởng? Hãy cùng bàn luận với Hunifest trong bài viết dưới đây nhé!

“Sự tham vọng” (Tiếng Anh: “Ambition”) thể hiện một trạng thái ham muốn, ước mơ to lớn. Theo tư tưởng phương Tây, sự tham vọng mang ý nghĩa tích cực hơn so với phương Đông. Theo đó, khác với “khát vọng” dùng để mô tả sự đặt mục tiêu để nỗ lực có được thành quả tốt đẹp, thì “tham vọng” được coi là viển vông hơn trong quan điểm Á Đông. Tuy nhiên, trong bài viết này, mình sẽ nói về “tham vọng” theo hướng tích cực và so sánh nó với hướng tiêu cực là “ảo tưởng”.

Nguồn: Unsplash

Để nói về mặt tích cực của “tham vọng” thì cũng có thể kể ra không ít! Một người tham vọng sẽ luôn có những mục tiêu để phấn đấu từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút giây cho một đích đến cao hơn trong cuộc sống của họ. Vì vậy, họ không muốn bỏ phí bất kỳ hy vọng nào trong cuộc sống, họ biết nắm cơ hội để biến “có thể” thành “chắc chắn”. Sự tham vọng còn cho họ động lực sống mạnh mẽ, chứ không chỉ đơn thuần là tồn tại. Nếu nhân loại không có những cá thể tham vọng, mình không chắc chúng ta sẽ có được những vĩ nhân làm thay đổi thế giới. 

Những người tham vọng thường có sự cầu toàn mà đối với người khác có thể bị coi là quá xét nét và khó hiểu. Lý do chính là họ hiểu rằng chỉ cần một mắt xích đứt gãy cũng có thể khiến cả một bộ máy đồ sộ sụp đổ. Chính vì vậy, sai sót là khó có thể chấp nhận được trong hành trình của họ! Nhờ có sự tham vọng, những kế hoạch của họ có thể triển khai rất chậm nhưng thường mang lại hiệu quả mạnh mẽ hơn rất nhiều người dễ dãi. Người tham vọng có xu thế làm nhiều hơn một đội ngũ đông đảo bao gồm những người không có khát khao vĩ đại gộp lại. Vì vậy, không có lý do gì để họ dễ dàng chấp nhận thất bại. Mà dù họ có thất bại trong những kế hoạch của mình, thì họ cơ bản là vẫn chạm được những đỉnh cao mà vô số người khác không bao giờ có được. 

Thế nhưng, sẽ làm sao khi bạn tham vọng quá cao dẫn đến ảo tưởng? Như đã nói ở trên, người tham vọng thường sẽ rất tự tin và luôn đam mê với việc lập kế hoạch, miệt mài chạy theo chủ nghĩa hoàn mỹ và khắt khe với tất thảy mọi người – kể cả chính họ. Vậy thì họ lấy sự tự tin ở đâu, ngoài những nền tảng mà họ sẵn có? Còn trong trường hợp họ ảo tưởng về khả năng của họ và lao đầu như thiêu thân quyết tiến vào đống lửa thì chính họ sẽ tự huỷ như thế nào?

Nguồn: Unsplash

Nếu bạn có quan tâm một chút đến chủ đề tâm lý học thì có thể bạn đã từng nghe qua hiệu ứng Dunning-Kruger. Cơ bản, hiệu ứng này nói về những người có thiên hướng lệch lạc trong nhận thức dẫn đến “ảo tưởng sức mạnh”. Nôm na là khi chúng ta hiểu biết càng ít thì sự tự tin càng ngút trời, bạn có thể google để tìm hiểu thêm nhé! Thực tế, hầu hết chúng ta đều đã từng trải nghiệm qua hiệu ứng này, chỉ có điều là mức độ của mỗi người khác nhau. Thế nên là chỉ cần sơ sẩy một chút, chúng ta dễ sa lưới ảo tưởng thay vì dừng lại ở tham vọng dựa trên nền tảng vững chắc.

Ở giữa ảo tưởng, con người ta dễ rơi vào hoảng loạn khi phải vùng vẫy trong khoảng trống vô định. Chúng ta sẽ vấp ngã liên tục, bị người đời vả vào mặt đau điếng cho đến khi nhận ra được kế hoạch của mình đang đi sai hướng. Thậm chí, có người còn mất rất lâu để nhận ra sự ảo tưởng của mình và họ không chỉ làm đau chính mình mà còn làm khổ người khác. Mọi thứ mà chúng ta cho là “nền tảng vững chắc” thực tế chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Chúng ta ảo tưởng bởi không suy nghĩ chín chắn và hiểu cho chính mình, vội vàng đeo lên lớp mặt nạ tham vọng để đâm đầu thực hiện những đích đến quá cao so với tầm tay.

Minh họa bởi: Timngx

Vòng lặp của sự ảo tưởng cứ thế quay như một bài học mà vũ trụ ban tới để buộc chúng ta phải tỉnh ngộ. Bạn sẽ rơi hoài rơi mãi như bị hút vào hố đen, nơi không và thời gian biến đổi liên tục, xoay vần chúng ta trong những biến cố khó lường. Rồi chúng ta sẽ sợ hãi và đó chính là lúc chúng ta nhận ra rằng mình đã phạm sai lầm mà phải trả giá quá đắt! Thế nhưng vòng lặp không thể tiếp diễn mãi một khi bạn nhận ra được ranh giới giữa tham vọng đơn thuần và ảo tưởng. 

Bởi nền tảng của mỗi người là khác nhau, mình chỉ có thể khuyên bạn rằng hãy tỉnh táo, suy nghĩ thật kỹ trước khi thực hiện bất kỳ tham vọng nào. Mọi kế hoạch đều có biến số, hãy chuẩn bị những kịch bản xấu nhất mà bạn có thể nhận được. Nhiều người nổi tiếng có thể nói rằng bạn hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê mà đừng ngoái đầu lại. Ví dụ, “kẻ huỷ diệt” ​​Arnold Schwarzenegger từng phát ngôn: “Tôi không có plan B” – thể hiện rằng ông vô cùng tự tin vào táo bạo trong mọi kế hoạch của mình. Tinh thần đó, theo một góc nhìn nhất định, là rất tốt để bạn phát triển. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi ví dụ của người khác không có nghĩa vụ phải áp dụng thành công với bạn! Biết mình là ai, đang ở đâu, có gì trong tay, hiểu rõ cơ hội và thách thức là những điều cần thiết nhất để bạn không vướng vào ảo tưởng. Thật ra cũng không sao nếu bạn có đôi chút ảo tưởng, thế nhưng hãy biết điểm dừng để không bị cuốn vào vòng xoáy đó nhé! 

Tác phẩm THAM VỌNG hay ẢO TƯỞNG? là một góc nhìn của Hunifest về sự lạc lõng của người có khát khao quá xa vời thực tế. Các bạn hãy thoải mái chia sẻ cảm nghĩ của mình về tác phẩm trong phần bình luận nhé! Bài viết này thuộc quyền sở hữu của Hunifest, vui lòng không tái bản hoặc đăng tại nơi khác mà chưa có sự đồng thuận từ chúng mình. 

Các bạn hãy theo dõi và kết nối với Hunifest qua Website, Facebook PageGroup, Instagram. Để xem và nghe podcast của Hunifest, các bạn hãy truy cập vào kênh YoutubeSpotify nha! Đối với những cá nhân hoặc tổ chức muốn hợp tác cùng chúng mình thì các bạn hãy gửi email qua hòm thư officialhunifest@gmail.com

Advertisement

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s