Xin chào!
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này! Trước khi các bạn đọc tiếp, hãy nhớ rằng mọi câu chuyện mình kể trong bài viết đều là trải nghiệm cá nhân. Mình không viết ra những dòng này với mục đích giáo dục mà chỉ là những chia sẻ hết sức đời thường, bạn có thể không đồng tình nhưng hãy tôn trọng quan điểm cá nhân. Vì vậy, mình rất mong nhận được những bình luận tích cực và truyền cảm hứng từ các bạn! Phần mở đầu cũng khá dài rồi, mình đã sẵn sàng để gửi tới các bạn câu chuyện của mình – một người gặp vấn đề với những mối quan hệ xã hội nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra và đang cố gắng để chấp nhận những góc khuất của bản thân.
Vì sao mình quen né tránh?
Mặc dù sinh ra trong một gia đình không quá dư dả, tuổi thơ của mình khá êm đềm khi gia đình không có nhiều biến cố và bố mẹ luôn nỗ lực để cho mình nhiều nhất mà họ có thể. Thế nhưng, sự nghèo khó lúc ấy vẫn là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những (có thể gọi là) chấn thương tâm lý cho mình. Mình đã có hai năm ở nhà, không được đi học từ khoảng bốn tuổi cho đến khi vào tiểu học, lý do là vì thời gian đó bố mẹ tập trung tài chính cho anh trai mình vào một trường điểm tại Hà Nội. Ngôi trường danh giá đó lại không nằm trong phạm vi quận của mình, thời đó thì mỗi khi học sinh muốn học trường khác địa phận thì không đơn giản như bây giờ. Thế là mình đã có một khoảng thời gian “thất học” như vậy.
Trong thời gian đó, cả bố mẹ mình đều phải đi làm để trang trải cuộc sống. Hầu như mình ở nhà với ông nội – một người kiệm lời, hơi cục cằn và có phần thiên vị nhà cô chú hơn nhà mình. Ông vẫn nấu cơm cho mình, nhưng hầu như không có những hành động thân thương nào. Mọi sự quan tâm nhất ông đều dành cho em họ của mình, sống cùng nhà. Mình chưa từng được trải nghiệm tình thương của ông bà như những câu chuyện trong sách báo hay trong lời kể của đám bạn đồng trang lứa. Mãi đến sau này, khi nhà mình ra ở riêng, ông mất và bà nội chuyển về nhà mình sống thì mối quan hệ của mình với bà nội mới cải thiện hơn một chút.
Từ nhỏ, mình là đứa trẻ kín tiếng và nhiều cô bác còn trêu mình là “câm như hến”. Cộng thêm với việc thiếu vắng sự quan tâm đầu đời khiến mình càng thêm khép nép. Mình không có mấy người bạn. Mình và anh trai cũng không hợp tính và anh mình cũng thường ghen tị bởi bố mẹ “chiều” mình nhiều hơn, mặc dù mình chưa bao giờ thấy rằng mình được thương hơn anh trai. Không những thế, mình còn luôn bị đặt kỳ vọng trở thành trụ cột tinh thần trong gia đình. Ảnh hưởng bởi hủ tục “trọng nam khinh nữ”, bố mẹ coi việc con gái làm việc nhà là cần thiết và đương nhiên. Mình không những phải làm hầu hết việc nhà trong khi vẫn học hành chăm chỉ từ khi học cấp hai, mà đôi khi còn được yêu cầu lo bữa cơm cho anh trai mình khi bố mẹ vắng nhà. Gần đây, mình mới biết cái đó gọi là “parentification” và điều này gây những ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của một đứa trẻ.

Mình có những kỉ niệm khá lạ lùng liên quan đến “phong cách ứng xử” mà mẹ đã đặt ra. Thế nhưng, để mà kể hết chắc sẽ cần thêm vài trang giấy… Có một lần, mình sang nhà bạn hàng xóm chơi và được bà của bạn cho một trái bưởi. Khi về, mình hí hửng khoe với mẹ thì bị mắng và dặn rằng “Người ta có cho cũng không được nhận, vô duyên thế!”. Một lần khác, mẹ mình dặn dò mình rất kỹ trước khi đi học là “Nếu cô giáo có dạy sai thì nhất định không được chỉnh lại”, bởi thời gian đó mình được đi học trung tâm tiếng Anh nên cũng có chút tự tin về khả năng của bản thân. Thời đó, mình không hiểu vì sao mẹ lại nghiêm khắc đến vậy. Còn bây giờ mình có vẻ hiểu những lời mẹ dặn, nhưng thấy cách mẹ dạy mình chưa hợp lý. Chính vì cách giáo dục đó, mẹ đã xây lên trong mình một sự đề phòng với xã hội và luôn phải chỉn chu theo “chuẩn mực” hoàn hảo nhất. Vì thế, mình khá e dè việc lên tiếng, khả năng biện luận trong mình cũng không được phát triển đúng tầm.
Trong suốt thời gian học cấp hai, mình là một trong những mục tiêu của đám bắt nạt trong lớp. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như là cách quản lý nghiêm khắc của mình trong vai trò tổ trưởng, hay là một số đặc ân mình nhận được khi tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, hay đơn giản là sau khi mình nghỉ chơi với một bạn trong lớp… May mắn là kiểu bắt nạt của chúng không phải đánh đập, nhưng các trò dọa dẫm, dèm pha hay cô lập của chúng cũng gây hằn tiêu cực lên tâm trí mình. Đến khi đó, mình không hiểu được vì sao một người sống cương trực, nỗ lực trong phát triển bản thân và cơ bản không làm hại đến ai lại bị quay lưng đến vậy? Liệu làm người tốt cũng là điều xấu hay sao? Trẻ con không phải ác quỷ, nhưng sự ngây ngô của chúng cũng dẫn đến những hành động vô tình tác động tiêu cực đối với người khác.
Là nạn nhân của bắt nạt học đường, mình dần có những lối suy nghĩ lệch lạc và bất cần. Đặc biệt là sau khi bố mẹ có vẻ quá bận bịu để quan tâm đến những vấn đề của bọn trẻ con. Kể cả khi mình đã nói rằng mình thực sự không muốn chịu đựng những trò bắt nạt đó, bố mẹ cũng chỉ coi đó là “Các bạn chỉ trêu vui thế thôi!”. Vậy thì mình nói ra để làm gì nữa? Không được bênh vực, không được hỗ trợ và tình trạng đó vẫn kéo dài cho đến hết năm cấp hai. Cũng trong cùng thời kỳ đó, mình còn gặp biến cố khi bị quấy rối tình dục bởi một số người khá gần gũi. Mình đã chọn cách im lặng bởi mình cảm thấy có nói ra cũng không ai bảo vệ mình cả. Thật may mắn là việc đó chỉ diễn ra một thời gian cho đến khi mình lựa chọn từ chối cứng rắn khiến cho họ phải dừng hành vi sai lầm đó. Kết quả là lên cấp ba, mình ngỗ ngược hơn và bắt đầu thay đổi từ tính nết cho đến ngoại hình, trở nên nghịch ngợm và gai góc khác biệt hoàn toàn với quá khứ. Phải đến khi lên đại học, mình mới thay đổi bản thân tích cực hơn.

Vì sao mình có thói ái kỷ?
Những câu chuyện kể trên đã góp phần hình thành nên bản tính tránh né của mình. Còn về phần ái kỷ, triệu chứng chỉ mới xuất hiện trong vòng khoảng vài năm trở lại đây. Trải qua một vài biến cố, gia đình mình có nhiều xáo trộn, mình tự cho mình sự tự chủ với cuộc sống cá nhân. Vài năm gần đây, gia cảnh của mình khấm khá hơn thời trước rất nhiều và có thể được xếp vào tầng lớp trung lưu, có của ăn của để, hay mọi người hay trêu mình là “tiểu thư nhà giàu”. Trước kia, mình còn rất tự ti và bởi mình hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, nên mình có xu hướng bao biện và giải thích về sự phát triển tài chính của nhà mình bây giờ. Dần dần, mình quá mệt với việc phải giải thích, nên mình đã chấp nhận và dần nhận ra được giá trị của mình hiện tại đã quá khác so với trước kia.
Kể từ khi mình biết được những lợi thế về cả ngoại hình lẫn gia cảnh, mình sinh ra cái tính yêu bản thân thái quá. Để mà nói là mình đã mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ hay chưa, thì mình nghĩ rằng chưa đến mức đó. Mặc dù đôi lúc mình vẫn nhận thức được rằng mình có phần “thượng đẳng”, mình vẫn không thể quay lại con người khép nép như trước được nữa. Giờ đây, mình không phải chỉ là người tự tin mà đôi lúc còn là tự cao. Thời gian qua, mình có nghiên cứu và trao đổi về thứ gọi là “nghiệp quả” đến từ “sân, si, mạn, nghi”; cơ bản là từ ý thức của con người. Soi chiếu lại bản thân, mình có thể gây khá nhiều nghiệp chỉ tại thói ái kỷ này. Thế nhưng, việc chỉnh sửa bản thân không phải chuyện một sớm một chiều…

Mình mới nghỉ việc mấy tháng trước và vẫn đang trong quá trình tìm một bến đỗ mới. Bố vẫn khuyên là “Mình phải biết mình ở đâu”, ý là đừng quá ngạo mạn mà hãy khiêm nhường hơn, chấp nhận một số khiếm khuyết của nhà tuyển dụng để mau có việc làm trong thời dịch khó khăn này. Thế nhưng, dựa trên những kinh nghiệm đi làm từ trước thì mình thấy rằng, dù có hạ thấp tiêu chuẩn xuống thì sớm muộn gì mình cũng thấy không thuộc về những nơi ấy. Thật ra thì mình cũng có mưu cầu về công việc chia thành từng tầng, nhưng làm gì có ai không muốn chọn cái tốt nhất khi có cơ hội, đúng không?
Cũng tương tự với chuyện các mối quan hệ, kể cả tình yêu, bạn bè hay đồng nghiệp; thói ái kỷ cũng khiến mình gặp không ít vấn đề. Nhận biết được rõ ràng những ưu điểm của bản thân, càng ngày thì tiêu chuẩn về một mối quan hệ gắn bó đối với mình càng cao hơn. Gần đây, mình có nói chuyện với đứa em về việc có nên hạ thấp tiêu chuẩn hay không? Thế nhưng, ngẫm lại thì phong cách gắn bó của mình trước giờ vẫn vậy mà. Người hợp tiêu chuẩn thì mình với chưa tới, mình chấp nhận những người chưa thực sự đúng ý mình và chẳng bao lâu sau thì mất cảm giác nồng nhiệt. Điều này áp dụng với tất thảy mọi mối quan hệ trong đời mình, có lẽ chỉ trừ gia đình bởi mình không thể chủ động lựa chọn được người thân.
Một phần lý do làm thói ái kỷ ngày càng phát triển trong mình có lẽ là do bản tính né tránh thân mật. Mình đã tự mình gánh vác một thời gian quá dài đến mức mình tự tin rằng chẳng ai có thể hỗ trợ mình. Mãi tới năm ngoái, mình mới thoải mái hơn trong việc chia sẻ quan điểm với gia đình và để họ hỗ trợ cho tinh thần của mình. Khoảng thời Covid khi xã hội bắt buộc phải khép kín hơn, gia đình là trụ cột lớn nhất mà mình có. Vậy, không bám vào họ thì phải bám vào ai? Vì thế, ở thời điểm này, ngoài bản thân và gia đình, mình vẫn khó để tin tưởng bất kỳ ai. Mình cắt đi rất nhiều mối quan hệ xã hội và chỉ tập trung vào một số ít người mà mình cho là phù hợp quan điểm, xứng đáng và có giá trị trong cuộc sống của mình.
Mình đã học về bản thân như thế nào?
Suy nghĩ của mình về giá trị, bản ngã cá nhân như một cái boomerang, cứ quăng đi thì nó sẽ vẫn quay về. Đôi lúc mình khá bất lực và bực tức bởi mình quá tham vọng và luôn coi mình là nhất nên cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi mình không đạt được những gì mình khao khát. Mặc dù vậy, thay vì cố ép bản thân phải thay đổi, mình buộc phải học cách chấp nhận. Nếu không yêu thương lấy bản thân, bạn không thể yêu được ai; đó là chân lý mà hiện tại mình đang theo đuổi.

Thay vì ôm lấy mệt mỏi và áp lực khi không có cái gì theo ý mình thì mình tận dụng tối đa thời gian “một mình” này để phát triển bản thân. Mình viết ra như là một cách để giải toả nỗi lòng. Mình nuôi một chú mèo để học cách săn sóc và quan tâm đến một vật thể sống. Mình trồng cây cảnh để rèn luyện tính tỉ mỉ và kiên nhẫn. Cơ bản, mình đang học làm chính mình, rèn bản tính “đàn bà” của mình. Chăm sóc khu vườn tâm hồn là một điều cực kỳ cần thiết để mình có thể vui sống hơn.
Không chỉ vậy, mình vạch ra kế hoạch trong ba đến năm năm tới. Nghe to tát nhỉ, nhưng cũng chẳng ghê gớm lắm! Mình chỉ gạch đầu dòng những việc mình muốn làm, những gì mình muốn học và những kiểu người mình muốn gặp gỡ. Kế hoạch này không thể hoàn thành trong một sớm chiều, nó là thành quả của nhiều năm tháng suy tính và trải nghiệm. Có điều, bây giờ mình không chỉ ôm lấy những suy nghĩ cho chính mình, mà mình đã biết cách chia sẻ cho gia đình và những người cộng sự. Đương nhiên, không phải cái gì mình cũng chia sẻ được. Mình vẫn còn nhiều góc khuất mà không phải ai cũng biết. Thế nhưng, thay vì nghĩ đó là thứ đáng để chôn vùi thì mình đào dần chúng lên mà nghiền ngẫm. Từ đó, mình chỉnh sửa được tính nết và những kế hoạch tương lai của mình.
Mình vẫn đang trong quá trình học về bản tính tránh né và thói ái kỷ của bản thân và mình đã đạt được một số thành quả. Mình hiểu đây là chặng đường dài, có thể đến cả vài chục năm; nhưng mỗi lần mình tìm được mấu chốt gì mới thì đó là lúc mình tiến bộ hơn một phần. Tự chữa lành là một hành trình khổ ải, có khi bạn rất vui sướng, nhưng cũng có lúc bạn bị đẩy xuống hố sâu thất vọng. Thế nhưng, mình mong rằng các bạn hãy kiên nhẫn với chính đứa trẻ bên trong bởi nếu bạn không ôm ấp nó thì khó có ai có thể bao dung với nó cả!
Bài viết cũng đã dài, mình xin được kết thúc tại đây. Mình mong các bạn sẽ luôn có những lựa chọn tốt nhất cho bản thân trên suốt chặng đường phía trước.
___________________________________________________________
Để kết nối với Hunifest, các bạn hãy theo dõi và gửi thông tin hợp tác qua:
- Website: https://hunifest.com/
- Facebook page: Hunifest
- Facebook group: Hunifest – Cộng đồng nghệ thuật hỗ trợ sức khoẻ tinh thần
- Instagram: hunifest.official
- Hòm thư điện tử: officialhunifest@gmail.com
Trân trọng cảm ơn các bạn,
Hunifest.