Vòng lặp

“Giận cá chém thớt” – câu tục ngữ không mấy xa lạ với người Việt. Để giải thích gãy gọn thì câu này có ý nghĩa là giận người này nhưng vì lý do nào đó mà không dám trút giận vào đối tượng này mà đem trút tức giận cho người khác.

Chắc hẳn trong số chúng ta, ai cũng đã từng gặp những tình huống như vậy. Khi đó, chúng ta không khác gì “cái thớt” tội nghiệp kia, chẳng làm gì có tội nhưng lại phải nhận những lời nói, hành động cay đắng “chặt” xuống với “lưỡi dao” của sự tức giận mất kiểm soát. Có người chọn cách yên lặng để cho qua đi, có người chọn cách giải thích phân bua, nhưng cũng có người uất ức kìm nén đến mức mang cái tức này trút lên những người hoặc vật thể vô tội khác. Và khi đó, chúng ta tiếp nối vòng lặp tiêu cực.

Minh họa bởi: Timngx

Bản thân tôi, cũng như các bạn, đã từng buồn, phân bua trắng đen rõ ràng, có cả tức giận, thậm chí xả cơn tức giận đó ngược lên những người khác không liên quan. Để rồi khi buông lời nói đó như một bát nước đổ ra không lấy lại được, tôi lại áy náy về những điều mình đã làm. Không ai trong cuộc sống muốn gặp phải những trường hợp khó xử như trên cả; thế nhưng, nhiều khi lời nói phóng ra nhanh hơn tốc độ bộ não có thể suy nghĩ chín chắn…

Tôi từng chứng kiến một bác tài xế, đi cả buổi bác càm ràm về việc khách chậm trễ làm bác đợi như nào, họ vô tình làm những điều không vừa lòng bác. Bác tài đem nỗi giận ấy xả lên những người khách tới sau, thậm chí lái xe trong cơn tức giận. Vâng đúng đó ạ, chiếc xe như đang phóng trên con đường giải quyết nỗi giận của bác tài vậy! Lúc ấy, tôi chợt nghĩ rằng liệu tối nay về nhà, bác có xả cơn cáu kỉnh cả ngày dài này lên vợ và con cái của bác hay không? Và ngay sau suy nghĩ ấy, tôi lại quay lại với chính nỗi sợ hiện tại của mình: “Liệu mình có an toàn trong chuyến xe bão táp này không?!”

Photo by Hello I’m Nik

Không ai trong chúng ta thực sự có thể “tốt” cả đời, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn sàng lọc những lời ta nói và hành động ta làm. Bởi lời nói của chúng ta thậm chí có thể gây tổn thương còn hơn trăm ngàn nhát dao và nỗi đau tinh thần có thể dai dẳng, tê tái gấp ngàn lần nỗi đau thể xác. Theo một nghiên cứu tôi đọc được thì trung bình, phụ nữ nói 7.000 từ mỗi ngày trong khi con số này ở đàn ông là 2.000 từ. Vậy trong số hàng ngàn từ mỗi ngày đó, có bao nhiêu từ mang ảnh hưởng xấu tới người khác?

Ví dụ tôi kể trên không phải để dạy dỗ ai, bởi chính tôi cũng không nhớ hết được toàn bộ những gì mình đã nói ra hàng ngày. Càng suy nghĩ tôi càng thấy mọi thứ đều xảy ra như một vòng lặp. Thời trang, âm nhạc,… mọi thứ sẽ xoay vòng và cả tâm lý con người cũng thế. Con người – bằng nhiều cách khác nhau, thu hút và bị ảnh hưởng bởi những năng lượng, lời nói, định kiến, phán xét tiêu cực. Họ tích tụ những điều đó lại như một cái bình đầy, và đi “rót” những cốc nước tinh thần đó cho những người khác. Điều này cứ lặp đi lặp lại, cho tới khi nào tới những người cảm thông, tỉnh táo và đủ thấu hiểu, họ sẽ là nhân tố cuối cùng, không tiếp nối vòng lặp tiêu cực đó nữa.

Photo by Ashley Whitlatch

Có những người sẵn sàng để lắng nghe những điều tiêu cực, ở bên cạnh chúng ta trong những giây phút cáu gắt và ôm lấy “quả cầu lửa” tức giận đang hừng hực. Vậy bạn có nghĩ rằng cuộc sống sẽ dễ thở hơn nếu nhiều người trong số chúng ta đóng vai trò lắng nghe và cảm thông đó không? Chúng ta hãy “trút chuyện” chứ đừng trút giận. Hãy biết chọn lọc những điều ảnh hưởng với tâm trí mình, tập quan sát nỗi tức giận và cáu kỉnh của mình để chính chúng ta kết thúc vòng lặp tiêu cực đó. Bởi biết đâu, nếu người nghe chuyện cũng tích tụ những điều tiêu cực thì chẳng phải đôi bên đều gây tổn thương cho nhau và cho nhiều người nữa hay sao? 

Tác phẩm “vòng lặp” là một góc nhìn, một lát cắt, một sự thể hiện của timngx về những cơn sóng tiêu cực cứ trào dâng ngụp lặn trong cuộc sống của chúng ta. Bạn có thấy nó đáng sợ không? Hay bạn thấy nó đáng để được cảm thông? Nếu cô gái kia là bạn thì bạn lựa chọn phản ứng như thế nào tiếp theo?

Các bạn hãy thoải mái chia sẻ cảm nghĩ của mình về tác phẩm “vòng lặp” trong phần bình luận nhé! Tác phẩm và bài viết này thuộc quyền sở hữu của Hunifest, vui lòng không tái bản hoặc đăng tại nơi khác mà chưa có sự đồng thuận từ chúng mình. 

Các bạn hãy theo dõi và kết nối với Hunifest qua Website, Facebook PageGroup, Instagram. Để xem và nghe podcast của Hunifest, các bạn hãy truy cập vào kênh Youtube, SpotifyTiktok nha! Đối với những cá nhân hoặc tổ chức muốn hợp tác cùng chúng mình thì các bạn hãy gửi email qua hòm thư officialhunifest@gmail.com.

Trân trọng cảm ơn các bạn,

Hunifest.

Advertisement

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s